Hà Nội có phở cuốn trắng ngần thì các tỉnh thành phía nam có món gỏi cuốn bình dân, đơn giản. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, người ta đều có thể tìm cho mình một món cuốn ngon.
Dưới đây là 5 món cuốn nổi tiếng và được nhiều người yêu thích nhất từ ba miền đất Việt.
1. Phở cuốn
Phở cuốn được người Hà Nội yêu thích. Ảnh: Flickr
Phở cuốn là một món ăn độc đáo của người Hà Nội. Tuy không ra đời cùng thời gian với phở nước nhưng phở cuốn lại nhanh chóng trở thành món ăn chơi yêu thích của nhiều người. Chế biến phở cuốn cũng không quá phức tạp, cầu kỳ. Thịt bò thái miếng mỏng ướp các gia vị như hành, tỏi, dầu hảo, tiêu, bột ngọt, hạt nêm. Hành tây thái miếng mỏng, cho vào chảo phi thơm sau đó đổ thịt bò đã ngấm đều gia vị vào đảo đều tay, vừa chín tới thì bắc xuống.
Bánh phở trắng tinh được trải ra sau đó đặt rau mùi và xà lách đã rửa sạch cùng thịt bò xào vào giữa rồi cuốn đều tay. Phở cuốn ngon ở thịt bò đậm đà kết hợp cùng bánh phở và rau sống vừa miệng, nhưng nước chấm mới là điều khiến phở cuốn nổi tiếng vì vị ngon hơn cả.
Nước chấm phở cuốn có đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và phải thơm để chỉ ngửi thôi là đã khiến khách phải thích thú, thèm thuồng. Trong bát nước chấm ấy cũng phải được thả những miếng đu đủ được cắt tỉa khéo léo để tăng độ ngon cũng như thẩm mỹ của món ăn này.
2. Nem tai
Nem tai ăn khá lạ miệng. Ảnh: Flickr
Vốn là đặc sản của Nam Định nhưng món nem tai nhanh chóng trở nên phổ biến ở các tỉnh miền Bắc. Đúng như tên gọi, nem tai có thành phần từ tai lợn luộc chín sau đó thái thật mỏng rồi trộn cùng thính, lá chanh và ớt thái mỏng. Thính là hỗn hợp được làm từ đỗ xanh, đỗ tương, gạo nếp và một số gia vị khác xay nhuyễn sau khi rang vàng. Khi ăn, tai đã trộn thính và các gia vị được đặt trong một chiếc bánh đa nem cùng lá sung, đinh lăng và lá mơ tam thể rồi cuốn lại chấm với nước chấm chua ngọt.
Vị giòn giòn, sần sật của tai lợn được luộc chín tới, vị bùi của thính, vị hăng, chát của các loại lá quyện với nhau trong một chiếc bánh đa nem chấm cùng nước chấm khiến người ăn thích thú, nhớ mãi không quên.
3. Cuốn thịt nướng
Xứ Huế nổi danh với cuốn thịt nướng thơm lừng. Ảnh: Flickr
Cuốn thịt nướng là món ăn độc đáo của xứ Huế được làm từ bánh ướt, thịt heo ba chỉ và một số loại rau. Cuốn thịt nướng nhìn qua có vẻ giống phở cuốn của miền Bắc nhưng khi thưởng thức, khách mới cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng. Thịt bò và thịt heo ba chỉ thái lát mỏng ướp với sả, hành tỏi giã nhỏ, gia vị và mè rang chin. Thịt sau khi ngấm đều gia vị được nướng trên than hồng cho tới khi tỏa mùi thơm hấp dẫn.
Khi ăn, khách đặt rau thơm và thịt nướng vào giữa tấm bánh tráng ướt rồi cuốn lại chấm cùng nước tương. Cái hấp dẫn ở thực khách ở cuốn thịt nướng phần nhiều nằm ở bát nước tương đậm đà. Gan heo, tỏi băm nhỏ rồi cho vào chưng cùng nước tương, mè và đường. Nghe thì đơn giản nhưng để có được bát nước tương ngon cũng cầu kỳ, tốn công người làm. Chẳng thế mà không phải ở đâu cũng có thể tìm được những đĩa cuốn thịt nướng thật ngon.
4. Ram cuốn cải
Vị rau cải đắng kết hợp cùng phần nhân ngon tuyệt. Ảnh: Flickr
Khách đến Đà Nẵng mà chưa một lần nếm thử món ram cuốn cải thì chuyến đi vẫn chưa được trọn vẹn. Đây là một món ăn được người dân Đà Nẵng rất ưa chuộng. Cũng như cuốn thịt nướng Huế, phần nhân của ram cuốn bao gồm thịt, miến và nấm mèo bằm nhỏ đã trộn đều gia vị. Hỗn hợp nhân này được đặt vào giữa của bánh đa nem cùng rau sống và đặc biệt không thể thiếu rau cải đã rửa sạch. Ram cuốn cải được chiên vàng trong dầu nóng, khi ăn chấm kèm nước chấm cay, ngọt và nộm đu đủ, cà rốt thái sợi mỏng.
5. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn ăn cùng tương đen có rắc đậu phộng rang.
Gói cuốn là món ăn vặt rất được yêu thích tại Sài Gòn. Món ăn bình dân này có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong thành phố, từ vỉa hè, các khu chợ, quán ăn bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng.
Cách làm gỏi cuốn khá đơn giản, như chính cái tên của nó. Thịt heo ba chỉ luộc chín thái miếng vừa ăn, tôm luộc chín lột vỏ, rau thơm, lá hẹ rửa sạch cắt miếng vừa cuốn. Gói cuốn cũng được cuốn từ bánh tráng có đặt các phần nhân đã chuẩn bị sẵn vào giữa. Món gỏi cuốn ngon không chỉ từ phần nhân vừa vặn, bánh tráng không quá cứng, quá dai mà còn ở phần nước chấm cùng.
Nước chấm ăn gỏi cuốn có nhiều loại nhưng riêng người Sài Gòn ăn gói cuốn cùng tương đen có rắc một chút đậu phộng lên trên. Bát nước chấm không quá mặn, vị béo ngậy của đậu phộng rang được ăn cùng miếng gỏi cuốn vừa vặn quả là sự kết hợp đúng điệu. Chẳng thế mà món ăn này nhanh chóng trở thành món yêu thích của nhiều du khách nước ngoài khi tới Sài Gòn du lịch.
Đỗ Huyền